Việt Nam chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay: Thủ tướng gợi ý giải pháp

Theo Thủ tướng, Việt Nam cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay.

 

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, sáng 5/2. Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, sáng 5/2. Ảnh: VGP

Sáng nay (5/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Phiên họp này thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như việc chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, tình hình thế giới diễn biến khó lường, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng giao từng địa phương…

Tham dự phiên họp có các đồng chí là các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các cơ quan: Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá về tình hình thế giới thời gian qua và tác động tới Việt Nam; công tác chỉ đạo, điều hành, những kết quả, mặt được, mặt chưa được, phân tích các bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và hội nhập.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Tại phiên họp này, Chính phủ cũng sẽ thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng của các địa phương.

Chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay

- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, sáng 5/2. Ảnh: VGP

Ngoài ra, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, đặc biệt là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, đặc biệt là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới , nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

Thủ tướng gợi ý về một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…

Về chỉ đạo ngay một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với cách làm khẩn trương; đồng thời khẩn trương bổ sung, hoàn thiện quy định hướng dẫn về mua bán điện trên cơ sở tiếp thu tối đa góp ý của doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội một số nội dung liên quan để triển khai dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, đồng thời tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT đường bộ.

Nhấn mạnh về việc cần tiếp tục quyết liệt tháo gỡ nút thắt về thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành hằng tháng báo cáo về những vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực phụ trách, nêu rõ vướng mắc là gì, ở đâu, ai giải quyết… để Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc.

Hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025, khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4/2025, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025… cũng là những nội dung quan trọng được Thủ tướng đề cập.

Theo báo cáo tại phiên họp, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực (mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày). Trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Tại phiên họp, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính.

Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,07 tỷ USD, xuất siêu 1,23 tỷ USD. Ngoài ra, tổng vốn FDI đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Theo Nhịp sống Thị trường